top of page
Writer's pictureKieu Duyen Le

CHỢ TẾT

“Mới đấy mà đã Tết rồi à?”


Tết rõ là ngày lễ truyền thống lâu đời nhất hằng năm rồi, nhưng cứ nghe tin là ai nấy lại ngỡ ngàng như mới. Cả năm loay hoay với công việc, mà khi nào hay Tết đã ùa về. Chẳng cần phải xem lịch, người ta nhận ra ngay bởi chính cái không khí “bất thường” ở chợ.


Tầm 23 tháng Chạp là nhà nhà đã “rục rịch” chuẩn bị, kéo nhau ra chợ buôn bán, mua sắm để làm lễ đưa ông Táo về trời. Không khí nom rất sôi nổi và tất bật. Ở một số nơi miền Nam, mọi người còn đến chợ để vui chơi và thưởng hoa vào những ngày 28, 29, 30.




“Sáng nay đi chợ tất niên

Em đây cầm một quan tiền trong tay

Sắm mua cũng khá đủ đầy

Nào cau, nào thuốc, trái cây, thịt thà

Độc bình mua để cắm hoa

Hột dưa, bánh mứt, rượu trà, giấy bông..."


Chợ Tết bao giờ cũng nhộn nhịp và phong phú như thế. Đến ngày ấy, mỗi người lại góp thêm món hàng từ nhà mình ra chợ để chung vui. Những gian đồ ăn đầy ắp, gian quần áo mới tinh, gian cây hoa kiểng bắt đầu xuất hiện, những gói quà tết, hạt dưa, cành vàng, câu đối đỏ được bày biện khắp nơi tạo nên bầu không khí vui tươi và sôi động.


Ngoài việc buôn bán, sắm sửa, chợ tết còn là nơi mà mọi người gặp gỡ nhau trò chuyện, hỏi thăm. Đối với trẻ con, đây thực sự là một dịp đáng mong đợi vì cứ đến tầm này là ba mẹ sẽ dắt đi chọn những bộ quần áo, giày dép mới để xúng xính cùng với chúng bạn. Đi qua những sạp hàng những là bánh kẹo, chẳng có đứa trẻ nào lại không háo hức.


Nhìn lại quá khứ, chợ Tết ngày xưa có đôi điều khác với bây giờ. Có lẽ ông bà ta thỉnh thoảng vẫn sẽ nhớ lại những cái tên chợ Bưởi, chợ Đồng, và kí ức về phiên chợ 29 Tết, khi trâu bò còn được xếp đứng thành từng hàng để người mua chọn lấy, hình ảnh ông đồ ngồi nắn nót cho từng con chữ hay dãy hàng của những người nghệ nhân nặn tò he…




Nay ở một số nơi thành thị, nhiều gia đình vì bận rộn công việc nên cũng chuyển dần sang đi “chợ online” thay vì phải đối mặt với việc chen lấn đông đúc. Chợ Tết được bắt đầu muộn hơn khi xưa nhiều vì người ta chẳng còn tâm lý sợ hết hàng nữa. Dù vậy, những nét văn hóa xưa vẫn được mọi người tôn vinh và tái hiện lại ở như một “địa điểm check-in” để gợi nhớ về truyền thống. Bên cạnh đó, ở các vùng quê, nhiều nơi vẫn giữ được không khí đặc trưng của chợ Tết.


Theo quan niệm của người dân Việt Nam ta, cứ ngày đầu năm thì mọi thứ trong nhà phải đủ đầy cả. Có vậy thì cả năm mới suôn sẻ và sung túc. Thế nên dẫu có nhiều thay đổi, chợ Tết vẫn là nơi mọi người tụ họp đông đúc mỗi dịp xuân về. Đây là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa và là dịp để mọi người gặp gỡ, kết nối với nhau.


Đối với nước nhà, chợ Tết còn là điểm góp phần vào kinh tế hằng năm. Theo báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, CPI quý I năm 2023 tăng 4,18%, hầu hết đều đến từ sự tăng cao của nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng trong dịp Tết Nguyên Đán.


Ngày nay, trong thời điểm mà rất nhiều nét văn hóa đang gặp gỡ và trộn lẫn, rất dễ khiến các bé bối rối trong việc phân biệt giữa những giá trị khác nhau. Nhìn thấy được điều này, Mamoon đã cho ra đời bộ tranh tô màu "Hương Vị Mùa Xuân". Chúng mình đã đặc biệt lồng ghép những chi tiết văn hóa mang màu sắc đặc trưng của chợ Tết Việt Nam. Từ đó, giúp các con có được những hình dung cụ thể và thêm trân trọng những truyền thống văn hóa của nước mình. Hy vọng bộ tranh tô màu này sẽ mang lại những trải nghiệm thú vị và đầy ý nghĩa cho các con và cả gia đình.



TÀI LIỆU THAM KHẢO







3 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page